Hoàng Kiều: Triệu phú ... máu

Đó là câu chuyện thú vị về con đường khởi nghiệp của ông Hoàng Kiều, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Raas (Hoa Kỳ), một Việt kiều Mỹ, đã đưa công ty của mình trở thành một trong 10 nhà cung cấp chế phẩm từ huyết tương hàng đầu thế giới; được Quốc hội Mỹ hai lần tặng danh hiệu “Doanh nhân nước Mỹ”.

Xin một cuộc hẹn với ông chủ Công ty Raas không đến nỗi khó lắm, chỉ có điều phải đăng ký khá lâu vì vào những ngày này ở Việt Nam ông đang miệt mài với những chuyến đi làm từ thiện. Chỉ trong vòng một năm qua tổng số tiền từ thiện mà ông thực hiện ở Việt Nam đã lên tới khoảng 30 tỉ đồng. Hoàng Kiều không giấu tham vọng “phấn đấu cho đủ 64 tỉnh, thành trong cả nước đều có nhà tình thương của Raas”.

Chuyện ông chủ Raas hào phóng làm từ thiện đối với người nghèo có lẽ bắt nguồn sâu xa từ sự đồng cảm sâu sắc của một người đã từng trải qua khó khăn, vất vả, đặc biệt hơn cả là quá trình dài gầy dựng cơ nghiệp.

Chạy và thăng tiến

Năm 1976, Hoàng Kiều đến định cư ở California, Mỹ, với một “hành trang”: vợ, năm đứa con nheo nhóc và… hai bàn tay trắng. Lúc đó, ông chỉ mới 30 tuổi. May sao, Hoàng Kiều bắt liên lạc được với Công ty Abbott, công ty mà ông từng làm việc khi còn ở Sài Gòn. Công ty này cử một tiến sĩ da màu phỏng vấn ông. Cuộc sát hạch diễn ra tốt đẹp.

Với Tổng thống Mỹ Bush

Hoàng Kiều được bố trí làm nhân viên của bộ phận xét nghiệm viêm gan siêu vi B trên các mẫu huyết tương thuộc Abbott. Lúc đó, Abbott là công ty duy nhất được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép được làm dịch vụ xét nghiệm nói trên cho tất cả các công ty trên lãnh thổ Mỹ. Để hoàn thành công việc, Hoàng Kiều đã phải… chạy như điên. Cứ mỗi sáng, ông dậy từ 5 giờ tranh thủ đưa hai đứa con còn nhỏ đến nhà người quen nhờ trông giúp. Vì cả nhà chỉ có mỗi chiếc xe máy 50 phân khối do nhà thờ cho nên ông phải chở vợ đi làm, xong xuôi lại hối hả chạy thẳng đến trụ sở công ty. Ông làm việc ở đây cho đến tận 12 giờ đêm mới về nhà.

Đổi lại, nhờ sự tháo vát, cần mẫn, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã trở thành giám sát viên và đúng một năm rưỡi sau được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách luôn bộ phận này. Ông còn kiêm thêm nhiệm vụ tiếp thị với tổng cộng 70 nhân viên dưới quyền. Việc một người châu Á mới sang định cư lên làm sếp và thăng tiến nhanh như vậy là một điều không dễ. Tuy nhiên, Hoàng Kiều đã cho thấy năng lực của mình. Ông không chỉ giúp công ty trong việc tạo nguồn tự chủ về tài chính cho bộ phận xét nghiệm mà còn là người đã sáng chế ra phương pháp thử để đo lường mức độ kháng thể và kháng sinh trên các mẫu huyết tương.

Sáu lít máu tiền vốn

Năm 1980, một sự kiện đã làm thay đổi con đường sự nghiệp của Hoàng Kiều. Công ty Abbott quyết định bán một bộ phận trong hệ thống của mình cho nước ngoài. Hoàng Kiều được đề nghị đầu quân cho công ty đối tác. Giữa lúc đang phân vân, một người bạn Mỹ vốn là khách hàng của công ty khuyên ông nên mở cơ sở kinh doanh, thay vì bán chất xám của mình một cách không tương xứng. Ông hiểu nhưng cái khó là tiền đâu để khởi nghiệp. Hồi đó, với mức thu nhập 30.000 đô la Mỹ/năm, tất cả ông phải trang trải nuôi gia đình, thậm chí còn thiếu trước hụt sau.

Dịp may đến khi có một công ty đề nghị được bán sáu lít huyết tương chứa kháng thể viêm gan siêu vi B với giá cực rẻ, chỉ bằng 1/10 giá thị trường. Ông quyết định bỏ ra 600 đô la Mỹ mua toàn bộ số huyết tương và sau đấy bán lại được tổng cộng 6.000 đô la Mỹ. “Công ty Raas đã được thành lập nhờ số tiền lời thu được trong thương vụ đầu tay này”- ông Kiều nhớ lại.

Lúc đầu, Raas có chức năng làm dịch vụ xét nghiệm huyết tương, tương tự như công việc Hoàng Kiều từng điều hành ở Công ty Abbott. Không có tiền thuê mặt bằng, có lúc phòng xét nghiệm của công ty phải tá túc ngay trong garage xe của gia đình. Ông Kiều một lúc phải quán xuyến nhiều việc: vừa làm chủ, vừa làm nhân viên xét nghiệm, vừa làm nhân viên marketing… Ông còn “chạy sô” thêm với công việc phụ trách khâu xét nghiệm cho một trung tâm thu mua và bán huyết tương tại California. Trung tâm này còn nhờ ông tìm mối bán hàng giúp với mức huê hồng rất cao.

Lao động cật lực cộng với niềm say mê đã giúp cho Hoàng Kiều tích lũy được một số vốn kha khá. Ông quyết định mở rộng hoạt động bằng cách mua lại một trung tâm thu mua huyết tương. Hàng của Raas bán chạy như tôm tươi. Hoàng Kiều thừa nhận việc ông từng giữ vị trí giám đốc bộ phận xét nghiệm của Abbott đã tạo một uy tín, thuận lợi đáng kể cho công việc kinh doanh của mình. Trên đà thành công, ông lại mua thêm trung tâm thứ hai, thứ ba… Có lúc, Raas sở hữu đến 11 trung tâm thu mua huyết tương. Rồi ông mở rộng đầu tư vào một khách sạn với tổng vốn lên tới 10 triệu đô la Mỹ.Từ cuộc gặp với Chu Dung Cơ

Nhưng có lẽ bước ngoặt lớn hơn cả là vào năm 1988, khi Hoàng Kiều quyết định đầu tư vào Trung Quốc. Qua khảo sát, ông nhận ra nhu cầu huyết tương trên thị trường nước này rất lớn trong khi kỹ thuật ở đây lại chưa đáp ứng được. Đó là lý do ra đời Công ty Raas Thượng Hải, liên doanh giữa Raas và Trung tâm Truyền máu và Huyết học Thượng Hải với tỷ lệ vốn góp 50/50-một ngoại lệ ở Trung Quốc vào thời kỳ đó (Theo quy định của Trung Quốc, vốn góp của bên nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49%). Đích thân ông Chu Dung Cơ, Thị trưởng thành phố Thượng Hải lúc bấy giờ đã chủ trì cuộc họp bàn về tỷ lệ vốn góp và sau khi nghe “lý lẽ” của phía đối tác nước ngoài, ông đã nhượng bộ. “Hồi đó tôi nói rằng nếu chỉ cho chúng tôi 49%, tức là cổ đông thiểu số thì làm sao chúng tôi có thể cai quản và điều khiển công ty, nhất là đóng góp kỹ thuật tiên tiến cho ngành huyết học Trung Quốc? Cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được họ”, ông Kiều kể lại.

Để chuẩn bị cho các sản phẩm từ huyết tương do Công ty Raas Thượng Hải sản xuất thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hoàng Kiều lập thêm một công ty khác chuyên lo việc thiết lập kênh phân phối. Ông còn tổ chức rất nhiều hội thảo về sản phẩm do ông tự thuyết trình, tự makerting tại các cơ sở y tế. Hình ảnh một ông chủ đích thân đến giới thiệu cặn kẽ, say sưa sản phẩm do mình làm ra đã làm cho Raas Thượng Hải nhanh chóng lấy được cảm tình của khách hàng. Ông muốn cho tất cả mọi người hiểu triết lý không bao giờ thay đổi của Raas, đó là “an toàn, chất lượng và hiệu quả”. Các chế phẩm từ huyết tương của Raas Thượng Hải đưa ra được thử từ 8-10 bước nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong khi hầu hết các chế phẩm được sản xuất theo công nghệ Liên Xô lúc bấy giờ bỏ qua những quy trình này.

Với bước đi bài bản như trên, Raas Thượng Hải đã nhanh chóng chiếm lĩnh 25-30% thị phần và trở thành nhà sản xuất hàng đầu về chế phẩm từ huyết tương tại Trung Quốc, đồng thời được xếp trong top 500 công ty lớn nhất của nước này. Sản phẩm của Raas còn xuất khẩu đi 30 quốc gia khác trên thế giới, trong đó một số sản phẩm như GamaRaas, HemoRaas, AlbuRaas chiếm lĩnh 100% thị trường ở các nước thuộc Trung Mỹ như Costa Rica, Colombia, Guatemela. Với công suất trên 2 triệu lít huyết tương mỗi năm, Raas trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba trên thế giới, đồng thời là một trong 10 công ty trên thế giới sản xuất các chế phẩm từ huyết tương.

Với những thành tích trên, năm 1996 ông Hoàng Kiều đã được chính quyền thành phố Thượng Hải trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự của thành phố Thượng Hải”. Đây quả là một vinh dự lớn đối với ông vì từ năm 1949 đến nay chỉ có 29 người được trao tặng danh hiệu này. Niềm vui càng tăng lên khi cả hai năm 2003 và 2005, ông đều được Quốc hội Mỹ tặng danh hiệu là “Doanh nhân nước Mỹ”.

* * *

Mặc dù thành đạt ở xứ người nhưng Hoàng Kiều vẫn nhớ về quê nhà. Cách đây vài tháng ông đã cho thiết lập văn phòng đại diện đặt tại TPHCM với dự kiến sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất chế phẩm huyết tương tại Việt Nam. “Chúng tôi dự kiến vốn đầu tư cho dự án này khoảng 50 triệu đô la và công suất của nhà máy sẽ khoảng 1-2 triệu lít/năm kèm theo một hệ thống gồm 70 trung tâm thu mua huyết tương. Sản phẩm chủ yếu sẽ phục vụ cho xuất khẩu”- ông Kiều cho biết.

Các chế phẩm từ huyết tương của Công ty Raas được sử dụng trong ngành huyết học và trong nhiều chuyên khoa khác nhau. Ví dụ như Hemoraas, Prothoraas, Fibtoraas dùng để đặc trị bệnh rối loạn đông máu (bệnh hemophilia A, B); Gammaraas dùng trong dự phòng nhiễm trùng, điều trị nhiều rối loạn miễn dịch; Alburaas sử dụng để điều trị phục hồi thể tích và thay thế protein huyết tương; Thrombiraas có tác dụng cầm máu tại chỗ trong nội khoa… Tất cả những chế phẩm này đều chưa sản xuất được tại Việt Nam. Một số bệnh nhân ở Việt Nam đã được chữa trị và cứu sống nhờ các sản phẩm trên của Công ty Raas mà ông Hoàng Kiều kịp thời gửi đến giúp đỡ. Như trường hợp anh Nguyễn Quang Vượng ở xã Xuân Lộc, huyện Xuân Trường (Nam Định) bị hemophilia, khi chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương gần như chỉ còn… chờ chết. Nhưng rất may, anh đã được cứu sống nhờ lô thuốc Prothoraas do ông Kiều gửi tặng.

Ông Hoàng Kiều cho biết Raas chuẩn bị đưa ra hai chế phẩm từ huyết tương rất độc đáo. Chế phẩm thứ nhất giống như một chất keo có tác dụng ngăn cản sự lan rộng của bướu ung thư. Chế phẩm thứ hai có tác dụng làm giảm chất mỡ xấu, tăng cao mỡ tốt, làm sạch sẽ màng chắn trong các mạch máu, phát huy tác dụng của các loại thuốc đặc trị bệnh gan bằng cách tạo màng chắn bao bọc gan để thuốc có thể trực tiếp đưa vào gan (hiện nay, các loại thuốc đặc trị bệnh gan đều không thể bơm trực tiếp vào gan nên hiệu quả thấp). Hai loại thuốc này đã có kết quả thử nghiệm tốt trên các con vật như thỏ, chuột và hiện đang thử nghiệm lâm sàng trên người.

Ngoài Công việc của một Doanh nhân thành đạt, Ông Hoàng Kiều còn được biết đến như một triệu phú của người nghèo.

Một ngày bình thường của ông bắt đầu bằng việc dậy sớm, thực hiện bài chạy bộ hơn 8 cây số trên con đường gần nhà ở Westlake, bang Cali. Hoàng Kiều, doanh nhân gốc Việt từng có dịp gặp gỡ Tổng thống George Bush khi ông đoạt giải Doanh nhân của năm tại Mỹ năm 2005 là một người nghiện công việc và nghiện... làm từ thiện.

Hiện là Tổng giám đốc của Tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm từ huyết tương RAAS (Rare Antibody Antigen Supply Inc) có mạng lưới rộng khắp nước Mỹ và chi nhánh tại Trung Quốc, Hoàng Kiều vốn nổi tiếng là người chi mạnh tay cho các dự án từ thiện. Riêng tại Việt Nam, chỉ từ tháng 6.2006 đến nay, Công ty RAAS Hoàng Gia của ông đã chi đến 20 tỉ đồng để xây hơn 1.000 nhà cho người nghèo, cứu trợ lũ lụt và giúp đỡ các trẻ em tàn tật. Thông qua quỹ từ thiện của Báo Thanh Niên, ông đã đóng góp 1,5 tỉ đồng, trong đó 1,3 tỉ dành riêng cho việc xây 130 căn nhà tình nghĩa.

Rời Việt Nam năm 1975, Hoàng Kiều cùng vợ và 5 người con sang định cư tại Thousand Oaks, bang Cali. 31 năm sau, ông trở thành chủ nhân của một tập đoàn lớn có hai nhà máy sản xuất ở Thượng Hải và tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Dưới quyền ông là 1.000 nhân viên, trong đó 80% có bằng đại học, nhiều người có học vị tiến sĩ. Hiện nay, Shanghai RAAS chiếm 50% thị trường Trung Quốc và là công ty đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ huyết tương tại Trung Quốc, đồng thời có mặt trong top 500 công ty lớn nhất tại quốc gia này.

Đối với thị trường trên thế giới, công ty của RAAS tại Trung Quốc chỉ xuất cảng 20% tổng số lượng sản phẩm sản xuất ra hằng năm. Trao đổi với Thanh Niên, ông Kiều cho biết 3 sản phẩm chính yếu của tập đoàn này như GammaRAAS, HemoRAAS, AlbuRAAS hiện chiếm lĩnh 100% thị trường ở một số nước Trung Mỹ. Trong thời điểm hiện tại, chỉ có 10 công ty trên thế giới tham gia sản xuất các sản phẩm từ huyết tương với doanh thu mỗi năm 10 tỉ USD. Ông tự hào nói rằng RAAS là 1 trong 2 đại diện của Mỹ trong số 10 công ty này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên: liệu ông có ý định xây dựng tại Việt Nam một nhà máy tương tự như ở Trung Quốc không, ông Hoàng Kiều cho biết: "Đó là mơ ước của tôi. Tôi đã từng tiên phong giúp Trung Quốc trong lĩnh vực này, cho nên không có lý do gì để tôi không muốn lập lại vai trò đó ở Việt Nam. Nhưng hiện tại tôi đang nghiên cứu giải bài toán kinh tế bởi thị trường Việt Nam còn nhỏ, chỉ ở mức 5,7 triệu đô la mỗi năm".

Sinh ra tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Hoàng Kiều xuất thân từ một gia đình nho giáo. Ông nội ông vốn là một vị quan triều đình Huế. Khi tâm sự với chúng tôi về ký ức tuổi thơ mình, Hoàng Kiều cho biết đó là những mái tranh nghèo. Ông còn nhớ, thuở ấy trong làng, chỉ duy nhất nhà của ông nội mình được lợp ngói đỏ. Sau bao nhiêu năm xa cách, ông về thăm lại quê hương, tuy là người có nhiều của cải trong tay, Hoàng Kiều vẫn đồng cảm với nỗi khổ của nhiều người dân nghèo phải sống dưới những mái nhà tạm bợ. Chỉ riêng 6 tháng trở lại đây, ông đã bỏ tiền xây 101 căn nhà cho đồng bào Quảng Trị, trong đó có căn nhà trị giá 500 triệu đồng cho một bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bìa phải là Hoàng Kiều, bên cạnh ông là Nữ hoàng trang sức 2005 Vương Thị Thanh Tuyền, bìa trái là Linh mục Phan Khắc Từ trong một lần đến Trung tâm Thiên Phước thăm trẻ bị nhiễm chất độc da cam

Khi mới lên 5, cậu bé Hoàng Kiều được người chú - cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - đưa vào Sài Gòn nuôi ăn học. Năm 1975, vài tháng sau khi đến Mỹ, Hoàng Kiều xin được việc làm tại Công ty dược phẩm Abbott. 5 năm sau, từ một nhân viên, ông đã lên đến vị trí giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương. Trong thời gian này, ông vừa học vừa làm. Công ty Abbott gửi ông đi học ngành Quản trị ở Đại học Santa Barbara từ năm 1976-1979. Bắt đầu từ năm 1980 đến năm 1994, trong vòng 14 năm ông đã xây dựng 11 trung tâm thâu huyết tương tại Mỹ, chỉ thâu phần nguyên liệu chứ không chế biến thành sản phẩm cuối cùng. Năm 1987, ông đặt nền móng cho cơ ngơi của mình tại Trung Quốc bằng việc thành lập Công ty sản xuất huyết tương Shanghai RAAS tại Thượng Hải. Đó là kết quả của nhiều năm trời làm việc mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến tận 11, 12 giờ khuya.

Sau hơn ba thập kỷ lập nghiệp trên xứ người, đến nay Hoàng Kiều vẫn hằng ngày để tâm coi sóc việc kinh doanh. Hiện tại, Công ty RAAS Hoàng Gia ở Việt Nam đã giúp bán được các loại trái cây khô và tươi của Việt Nam vào các hệ thống Walmart, Carrefour, Metro, Lotus và các chợ lớn tại Trung Quốc. Theo ông, thị trường rộng lớn này rất hấp dẫn và chúng ta cần phải thâm nhập nhằm giúp nông dân trồng trái cây ở Việt Nam có đầu ra ổn định.

Càng lớn tuổi, doanh nhân Hoàng Kiều càng đam mê làm từ thiện. Vài ngày nay, từ Mỹ, ông liên tục cập nhật thông tin từ website Báo Thanh Niên về số nạn nhân của cơn bão số 9. Tối nay (10.12), ông Hoàng Kiều sẽ ủy nhiệm nhân viên của mình trao tặng 2,91 tỉ đồng tại đêm ca nhạc có chủ đề Nỗi đau nhân loại nhằm gây quỹ giúp các trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam tại Nhà hát Thành phố (TP Hồ Chí Minh). Trong đó, 1,6 tỉ đồng sẽ dành riêng cho việc cứu trợ các nạn nhân bão số 9 tại các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; 660 triệu đồng được dùng để tài trợ cho Hội Thiên Phước do linh mục Phan Khắc Từ sáng lập để phục vụ cho dự án xây dựng trung tâm nuôi dưỡng các trẻ em nhiễm chất độc màu da cam và trẻ mồ côi mắc bệnh hiểm nghèo tại quận 8, TP.HCM. Số tiền 650 triệu đồng còn lại sẽ được trao cho một số chương trình xây nhà tình thương và quỹ học bổng cho trẻ em nghèo.

Từ ngày xa xứ, ông Hoàng Kiều vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê hương. Những mái tranh nghèo ở Bích Khê ngày ấy chưa bao giờ phai nhòa trong tâm trí ông. Thông qua Báo Thanh Niên, ông Kiều muốn kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hãy hành động để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Khi được hỏi: "Ông có lời nhắn gửi nào dành cho các bạn trẻ ngày nay?", ông chỉ trả lời ngắn gọn: "Đời là một sự học không ngừng, vì vậy phải luôn luôn cố gắng vươn lên".

Hoàng Kiều: Triệu phú ... máu - Tổng hợp doanh nhân.

Gợi ý tìm kiếm:  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét